Nếu cứ mang điện thoại vào nhà vệ sinh thì việc rửa tay sạch hay mọi động thái ngừa virus của bạn cũng dễ thành công cốc
Mặc dù khẩu trang có thể mang lại cho bạn cảm giác an toàn và một chai nước sát khuẩn tay đáng tin cậy sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn khi chạm vào đồ vật, nhưng tất cả những việc làm này đều không quan trọng bằng việc rửa tay.
Ủy ban Y tế cộng đồng Anh khuyến cáo chỉ cần rửa tay trong khoảng thời gian ngắn khi hát bài hát Happy Birthday quen thuộc là bạn đã có được sự bảo vệ tốt nhất trước virus, vi khuẩn.
Rõ ràng, mọi người đã nhận thức được và đang thực hiện nghiêm túc khuyến cáo trên, khi mà hầu hết trong túi ai cũng có sẵn một lọ nước rửa tay khô, và câu chuyện về rửa tay sạch sẽ cứ được nhắc liên tục trong các hoạt động, câu chuyện của mỗi người.
Vậy hóa ra dịch bệnh lại giúp chúng ta nâng cao nhận thức hơn về tầm quan trọng của việc rửa tay bởi nếu không có nó thì có lẽ sẽ chẳng ai thèm quan tâm đến việc làm này trước đây. Tuy nhiên, lại có một sai lầm chết người trong kế hoạch bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch mà rất nhiều người mắc phải hiện nay: thói quen mang điện thoại theo vào nhà vệ sinh để lướt Facebook, check mail, đọc tin tức.
Khi bạn mang điện thoại theo người vào nhà vệ sinh, rửa tay sau khi xong việc, sau đó cầm lại vào chiếc điện thoại, điều này có nghĩa rằng bạn vừa truyền lại cùng loại vi khuẩn, virus lúc trước khi rửa tay vào tay mình.
GS William Keevil, Đại học Southampton cho rằng: “Bạn có thể rửa tay nhưng nếu bạn bắt đầu chạm tay vào màn hình điện thoại và sau đó chạm lên mặt mình thì đó là thói quen xấu gây nên sự truyền nhiễm bệnh dịch”.
TS Perpetua Emeagi, giảng viên Khoa học sinh học và Sinh học con người, Đại học Liverpool Hope cho biết: “Có rất nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng có trung bình đến 17 nghìn chủng vi khuẩn trên điện thoại, cao gấp 10 lần con số trung bình có trên chiếc bồn cầu. Chúng có thể tồn tại trên những bề mặt cứng đến 1 tuần, điều này có nghĩa rằng chiếc điện thoại là “điểm đến lý tưởng” để virus có thể sinh sôi, nảy nở.”
Thực tế, một nghiên cứu được thực hiện bởi đơn vị thị trường số hóa JellyBean tại Birmingham năm 2019 đã chỉ ra rằng 54% người Anh đã mang điện thoại vào nhà vệ sinh. Con số này tương đương với khoảng hơn 25 triệu người trưởng thành ở nước này xem ảnh trên Instagram khi đang ở trong nhà vệ sinh.
Việc đưa lượng lớn vi khuẩn lên điện thoại của mình rồi thường xuyên chạm tay vào điện thoại chắc chắn sẽ là con đường chính dẫn đến bệnh dịch, nhiễm vi khuẩn nếu như chúng ta không rửa sạch tay của mình.
Không chỉ chạm tay vào điện thoại sau khi sử dụng nhà vệ sinh mới có thể lây nhiễm bệnh dịch mà chỉ riêng việc bạn mang điện thoại vào nhà vệ sinh (khu vệ sinh và khu nhà tắm chung) đã có thể làm tăng nguy cơ phát tán bệnh dịch.
Công ty bảo hiểm Direct Line gần đây đã phát hiện ra rằng những người sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh tốn thêm khoảng 12 phút mỗi ngày trong không gian này, tức 73 tiếng (3 ngày) trong 1 năm. Khoảng thời gian này đủ dài để chúng ta có thể bị các hạt phân siêu nhỏ bám vào.
TS Emeagi, cho rằng một trong những nguy cơ lớn nhất gây ra sự nguy hại cho sức khỏe đến từ việc xối nước bồn cầu, bởi hàng tỷ loại vi khuẩn, có thể bao gồm cả COVID-19 bay lơ lửng trong không khí trước khi “hạ cánh” lên “DẾ YÊU” của bạn.
“Từ điện thoại đến tay không phải là con đường duy nhất vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể bạn. Chúng cũng có thể tiến thẳng vào cơ thể bạn khi bạn xả nước bồn cầu. Việc làm này khiến cho các tác nhân gây bệnh bị quay vòng bên trong bồn cầu, sau đó thì bay lơ lửng trong không khí khắp phòng vệ sinh. Và như chúng ta đã biết, COVID-19 cũng có thể lây truyền thông qua phân, bởi vậy nếu các hạt phân siêu nhỏ chứa virus vô tình bị bạn hít phải hoặc rơi vào mắt bạn, bạn sẽ dễ dàng bị lây nhiễm”.
Chỉ một sự vô ý nhỏ của bạn không những đặt sức khỏe của chính mình vào nguy hiểm mà nó còn có thể khiến nhiều người xung quanh bạn có nguy cơ lây nhiễm cao, đặc biệt là khi chúng ta cho con trẻ cầm điện thoại của mình.
“Thói quen phổ biến của nhiều bố mẹ sau khi đi làm về thường cho con trẻ nghịch điện thoại của mình trong thời gian dùng bữa tối. Điều này cũng là một con đường có thể khiến cho COVID-19 lây lan nhanh chóng, dễ dàng trong gia đình”, TS Emeagi khẳng định.
Do đó, việc đầu tiên đơn giản là bạn đừng mang điện thoại vào nhà vệ sinh và hãy tạo thói quen rửa tay thường xuyên.
Điều thứ 2 cần làm là vệ sinh điện thoại với khăn có thấm cồn hoặc sử dụng khăn giấy và dung dịch sát khuẩn tay. Bạn không cần phải làm việc này mỗi khi chạm vào điện thoại, nhưng vẫn nên thực hiện thường xuyên để có thể ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm chéo.
Thêm vào đó, khi đi vào nhà vệ sinh, hãy đóng nắp bồn cầu trước khi xả nước để ngăn chặn những hạt phân siêu nhỏ có thể phát tán khắp căn phòng.
TS Emeagi cho rằng phương pháp tốt nhất để kiểm soát bệnh dịch là để mắt đến tất cả những người có nguy cơ bị lây nhiễm.
“Khi tôi đi thi bằng lái xe, người hướng dẫn nói tôi nên tưởng tượng rằng mỗi tài xế trên đường đều bị điên, tôi là người duy nhất bình thường, do đó, tôi cần phải cảnh giác cao độ khi lái xe. Bạn cũng nên suy nghĩ như vậy trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành như hiện nay. Đừng nghĩ rằng những người khác đều có ý thức rửa tay và khử khuẩn bề mặt. Hãy tự biết bảo vệ chính mình và làm giảm nguy cơ bị lây nhiễm”, TS Emeagi cho biết.
Hãy bấm nút Đăng ký (subscribe) để luôn được cập nhật những thông tin kiến thức khoa học về sức khỏe mới nhất. Và đừng quên Like, share video cho gia đình, bạn bè và người thân.
Trân trọng cảm ơn quý vị đã dành thời gian ghé thăm kênh Kiến Thức Khoa Học Về Sức Khỏe.