Nhìn móng tay đoán biết tình trạng sức khỏe bệnh tật ai cũng nên biết sớm
Chiếc móng tay tưởng chừng đơn giản nhưng có thể tiết lộ tình trạng sức khỏe của chúng ta. Một số bệnh gây nên các biến đổi về màu sắc, hình dáng và cấu trúc móng tay. Một số biến đổi có thể là tự nhiên, số khác thì là dấu hiệu bệnh lý. Dưới đây là 10 dấu hiệu trên móng tay có ý nghĩa đối với sức khỏe.
1. Móng tay xanh
Móng tay xanh xảy ra khi nồng độ oxy máu thấp, dẫn đến bộ phận ngoại vi của cơ thể trở nên tím tái. Dấu hiệu này có thể xuất hiện khi tay tiếp xúc với môi trường lạnh giá, khiến mạch máu ngoại vi co thắt để bảo tồn năng lượng. Khi làm ấm cơ thể màu sắc móng tay sẽ trở về bình thường.
Nếu móng tay vẫn giữ nguyên màu xanh thì có thể bạn đang mắc môt số bệnh làm giảm nồng độ oxy trong máu, như bệnh phổi, tim, bệnh mạch máu.
2. Móng tay trắng
Móng tay trắng hay trông nhợt nhạt thường đồng nghĩa với cơ thể bạn đang thiếu máu, có thể do ăn uống không đủ chất hoặc cơ thể kém hấp thu. Đái tháo đường hay bệnh thiếu máu cũng là những nguyên nhân gây móng tay trắng.
Móng tay trắng bệch nhưng có viền đen hoặc hồng ở đầu móng được gọi là móng tay Terry. Kiểu móng này có thể xuất hiện khi về già, bên cạnh đó còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh như xơ gan, bệnh thận mạn, suy tim. Trên thực tế 80% bệnh nhân xơ gan có móng tay Terry.
3. Chấm trắng nhỏ
Dấu hiệu này vô hại và thường gặp ở người lớn khỏe mạnh. Nguyên nhân đa phần do chấn thương giường móng tay khi bị kẹt cửa hoặc va đập vào móng. Nhưng dần dần theo thời gian bạn sẽ không nhớ được lần va chạm nào gây nên vết trắng trên móng tay.
4. Móng tay dễ nứt, vỡ
Nứt, vỡ móng tay rất hay gặp ở phụ nữ, dù nam giới có thể gặp. Dấu hiệu này có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, từ bệnh tuyến giáp đến thiếu máu do thiếu sắt.
Tùy thuộc vào mức độ nặng, bạn có thể dùng viên sắt hoặc chỉ cần ăn nhiều thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, đậu xanh, đậu phụ v.v. Bên cạnh đó bạn nên bổ sung thêm nhiều đạm để nâng cao sức đề kháng của móng tay với những va chạm, chấn động.
5. Sọc đen dọc dưới móng
Chấn thương gây tụ máu là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên sọc đen dưới móng. Những tổn thương này thường tự lành trong vòng vài ngày.
Tuy nhiên, sọc đen dọc theo móng tay còn cảnh báo căn bệnh nguy hiểm không được phép quên: Ung thư da. Điển hình là các sọc đen không biến mất, móng tay đau và có thể chảy máu.
Sọc đen dưới móng kết hợp với sốt, mệt mỏi, khó thở còn gặp trong viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, một bệnh nhiễm trùng các van tim.
6. Móng tay vàng
Móng chuyển màu vàng thường gặp trong nhiễm nấm. Khi này bạn nên ngâm tay hoặc chân vào nước nóng pha bột baking soda để ngăn nấm lây lan. Khi điều trị nấm không thành công, đây còn có thể là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp, đái tháo đường hoặc thậm chí là ung thư da.
7. Vạch trắng ngang (Mees’s line)
Những đường trắng đi hết bề ngang móng tay là dấu hiệu điển hình của nhiễm độc arsen. Tuy nhiên, dấu hiệu này còn gặp trong bệnh suy thận, suy tim.
Đường vân trên móng do chấn thương cũng có thể bị nhầm lẫn với vạch trắng ngang Mees, nhưng vùng móng đó thường không đổi màu và theo thời gian khoảng 6 tháng khi móng mọc dài ra, đường vân do chấn thương (Beau’s line) sẽ dời ra rìa và có thể cắt đi.
8. Móng tay thìa
Móng tay thìa đúng như tên gọi là móng bị lõm như chiếc thìa. Nguyên nhân là do móng tay mỏng và mềm, khiến các cạnh trồi lên, thường có liên quan đến thiếu máu do thiếu sắt – loại bệnh suy dinh dưỡng phổ biến nhất thế giới. Dấu hiệu này còn gặp trong vảy nến, một bệnh tự miễn có biểu hiện chủ yếu ở da.
9. Cắn móng tay
Đôi khi chúng ta có thể đưa móng tay lên cắn một hai lần. Nhưng một số người cắn móng tay thường xuyên và trở nên nghiện. Có nhiều lý do khiến người ta nghiện cắn móng tay, có thể là do lo âu, do thói quen khi rảnh rỗi v.v.
Cắn móng tay dù không hợp vệ sinh nhưng không nhất thiết gây tổn thương nặng nề răng hay móng. Nếu muốn từ bỏ thói quen này, bạn có thể bấm bút, nghịch bóng hay tìm mọi cách để đôi tay bận rộn khi muốn cắn móng tay.
10. Gờ dọc
Nếu chú ý quan sát bạn sẽ thấy móng tay nhiều người cao tuổi có những đường gờ chạy dọc. Đây là quá trình tự nhiên, nguyên nhân là do thuận theo sự lão hóa, móng tay dần mất đi khả năng hấp thu dưỡng chất và độ ẩm.
Tuy nhiên, nếu các đường gờ này xuất hiện không phải do lão hóa, mà đi kèm với móng thô ráp và dễ gãy, thì có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như thiếu máu.
Hãy bấm nút Đăng ký (subscribe) để luôn được cập nhật những thông tin kiến thức khoa học về sức khỏe mới nhất. Và đừng quên Like, share video cho gia đình, bạn bè và người thân.
BAN QUẢN TRỊ