Làm việc để sống hay sống chỉ để làm việc hãy biết trân trọng sức khỏe11:54

Làm việc để sống hay sống chỉ để làm việc hãy biết trân trọng sức khỏe

Những cái chết trẻ đang không ngừng tăng lên, kéo dài danh sách người trẻ ra đi trước người già. Hãy trân trọng sức khỏe ngay bây giờ, chỉ đơn giản bằng việc biết nghỉ ngơi hợp lý.
Chúng ta hãy xem cái giá quá đắt của việc “lao đầu vào công việc” bất chấp sức khỏe của những người nổi tiếng, thành đạt. Sách trắng của cả Trung Quốc và Nhật Bản đều nêu nguy cơ này. Có lẽ đã đến lúc, mỗi người trong cuộc sống hiện đại và hối hả cần nhìn lại cách chăm sóc bản thân…
Chính phủ Nhật Bản mới đây đã công bố Sách trắng về Chính sách đối phó với hiện tượng chết do làm việc quá sức để cảnh báo cộng đồng về những cái chết trẻ.
“Chết do làm việc quá sức” là khái niệm không mới, nhưng gần đây được giới y khoa quan tâm đặc biệt, vì số người tử vong do làm việc đang không ngừng tăng lên mỗi ngày một cách đáng lo ngại. Đây quả thật là vấn đề đã gây ra sự mất bình tĩnh trong giới chuyên môn bởi số người tử vong tăng lên quá nhanh.
Tỉ phú, nhà báo, bác sĩ – nhiều người nổi tiếng đã chết đầy tiếc nuối
Chuyện chết trẻ không phải mới xuất hiện, nhưng nó dậy sóng bắt đầu từ việc nhà sáng lập tập đoàn Xuân Vũ nổi tiếng Trung Quốc, CEO Trương Nhuệ bất ngờ đột tử do nhồi máu cơ tim đúng vào giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp. Việc một người khỏe mạnh ra đi ở lứa tuổi 44 đã gây choáng váng cho nhiều người.
Sau đó, Phó tổng biên tập tờ báo Khoa học kỹ thuật Sơn Tây, kiêm giám đốc Công ty sáng tạo Khoa học Sơn Tây Trương Kiến Vĩ cũng bị nhồi máu cơ tim và tử vong bất ngờ.
Không dừng lại, bi kịch hơn nữa là chính các bác sĩ cũng không tránh khỏi vòng xoáy làm việc quá sức. Bác sĩ Vương Hiểu Dương, Giám đốc Khoa nội, Bệnh viện Thành phố Lạc Dương, người mới tham gia hưởng ứng phong trào hiến giác mạc ít ngày trước đó, đột ngột qua đời.
Bác sĩ Lý Bảo Hoa, khoa Nhi, Bệnh viện Vi Lai Cương cũng bị đột tử khi đang làm việc khiến người chứng kiến vô cùng đau đớn.
Không chỉ người nổi tiếng, giám đốc hay bác sĩ, mà những công nhân, những người làm việc trong văn phòng, nhà hàng, đều đã từng là nạn nhân, góp phần kéo dài danh sách người trẻ chết do làm việc quá sức, chết do mệt chứ không phải chết do bệnh hay tuổi già.
Tuy nhiên, xin đừng nghĩ rằng “trời kêu ai người ấy dạ” hay là “chuyện chẳng may”, chính chúng ta phải ngay lập tức ra tay bảo vệ sinh mệnh của mình.
Luật Lao động quy định thời gian làm việc chưa bao giờ là thừa
Chúng ta đều biết rằng, người lao động luôn được bảo vệ sức khỏe trong quá trình làm việc, thể hiện rất rõ trong Luật Lao động về thời gian làm việc, nghỉ ngơi. Điều này đã được nghiên cứu đa ngành và nó chưa bao giờ là thừa đối với tất cả mọi người. Nhưng đáng tiếc, không ít người coi trọng điều đó.
Gần đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Durham (Anh) đã tiến hành một cuộc khảo sát trên phạm vi toàn cầu, phỏng vấn tổng cộng 1,8 triệu người ở 134 quốc gia. Kết quả cho thấy, có 68% số người tham gia trả lời rằng họ cảm thấy mệt mỏi, thật sự mong muốn được nghỉ ngơi nhiều hơn.
Trong số đó, những người trẻ, người có thu nhập cao có thời gian nghỉ ngơi ít nhất. Ví dụ tại Anh, những người tham gia trả lời phỏng vấn có thời gian nghỉ ngơi trung bình mỗi ngày chỉ 3 giờ 8 phút. Trong đó, nhiều người thậm chí chỉ nghe nhạc khi nghỉ ngơi và không có điều kiện để làm bất kỳ việc gì khác.
Trong cuốn Sách trắng của Nhật Bản công bố, dẫn số liệu năm 2015 rằng, tỉ lệ tử vong do làm việc quá sức, kể cả tự tử do áp lực công việc ở mức khá cao. Khảo sát cho thấy, có những người thậm chí đã làm việc 80 giờ/tuần (gấp đôi khuyến cáo).
Trong cuốn Sách trắng của Trung Quốc về lao động đã thống kê và công bố con số bất ngờ, trong năm 2014, khảo sát cho thấy có tới 52,72% bác sĩ có thời gian làm việc trung bình từ 40-60 giờ/tuần, 32,69% bác sĩ phải làm việc hơn 60 giờ/tuần.
Chính các bác sĩ cũng biết, chẳng có bất kỳ một công việc nào đáng giá để đổi đi mạng sống, sức khỏe. Nhưng do yếu tố nghề nghiệp, nhiều người phải lựa chọn công việc như là một sự hiến thân.
Chọn công việc hay sức khỏe, luôn là một vấn đề mà con người không ngừng đấu tranh, cân nhắc để đưa ra quyết định.
Làm sao để có thể làm việc tốt mà vẫn giữ được sức khỏe?
Khi công việc luôn quá tải, nếu không làm thì không có lựa chọn khác, bạn phải làm gì? Hãy dành thời gian lên kế hoạch và sắp xếp lại công việc theo thứ tự ưu tiên. Phải đảm bảo thời gian làm việc/nghỉ ngơi hợp lý.
Khi chúng ta buộc phải lựa chọn giữa một người khỏe mạnh và một bệnh nhân phải nhập viện, thậm chí mất đi sinh mạng, thì liệu có thể bố trí thời gian cho sức khỏe không? Việc sắp xếp thời gian cho công việc là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Khi sự sống bị đe dọa, liệu chúng ta có thể yên tâm làm việc được không, chúng ta có dám đánh đổi cuộc sống để lấy tiền hay không?
Sức khỏe của con người đều có giới hạn, vì thế bạn luôn phải chọn lựa giữa công việc và nghỉ ngơi. Khi nào nên làm, khi nào nên nghỉ, tìm kiếm các giải pháp để nâng cao hiệu suất làm việc, thời gian ít nhưng hiệu quả cao sẽ tốt hơn là cả ngày làm việc không ngừng nghỉ.
Không biết nghỉ ngơi là gì, coi thường tuổi thanh xuân
Trước khi chết, CEO Trương Nhuệ từng trả lời truyền thông rằng, khối lượng công việc của anh phải làm hàng ngày rất “đồ sộ”. Khi được hỏi rằng anh làm việc nhiều như vậy có lo ngại ảnh hưởng sức khỏe không, anh ấy trả lời rằng “thực sự rất lo lắng’’. Đáng tiếc rằng vị CEO này đã không sớm thay đổi thời gian làm việc mặc dù đã có nhận thức rõ về tác hại của lao động quá sức.
Em rể của Phó Tổng biên tập Trương Kiến Vĩ kể, anh Vĩ bình thường rất ham công tiếc việc, gần như sống không điều độ, ăn uống và làm việc đều không theo giờ giấc, vấn đề lại không phải chỉ một vài ngày như vậy, mà là kéo dài.
Tại sao đột tử do làm việc quá sức lại chỉ “cố định” xảy ra với người trẻ tuổi, càng ngày càng nhiều lên? Theo giáo sư Nữu Văn Dị, Học viện y tế Công cộng Đại học Bắc Kinh, mọi người trong nhóm tuổi này thường có suy nghĩ “không dám nghỉ ngơi”, hoặc “không biết nghỉ ngơi”.
Bên cạnh đó, do đặc điểm phát triển của xã hội và thời đại, nhiều người thường so sánh mình với người thành công, buộc phải cố gắng nỗ lực cho bằng họ. Hơn nữa, xã hội phát triển nhanh, đòi hỏi về nhân lực ngày càng cao, nếu không lao động, không khẩn trương đầu tư nhiều chất xám vào công việc, hoặc sẽ khó thành công, hoặc sẽ bị đào thải, thất bại.
Không khó để nhận ra, số người chết do lao động quá sức xuất hiện phổ biến ở nhóm người từ 20 – 40 tuổi. Cái tuổi phải lao động và đầu tư sự nghiệp nhiều nhất, dùng sức khỏe, thậm chí sinh mệnh để đổi lấy sự nghiệp.
Vấn đề chính đáng báo động nhất, chính là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến cái chết, đó là sự chủ quan. Vì độ tuổi này đang là thời kỳ thanh xuân, sức khỏe tốt nhất, nên nhiều người lầm tưởng rằng cơ thể sẽ không ảnh hưởng nhiều. Từ đó không coi trọng việc chăm sóc, nâng niu.
Tất cả những người trẻ tuổi thường “lao vào” kiếm tiền, không dành thời gian cho sức khỏe, kể cả việc bổ sung kiến thức về sức khỏe lẫn các hoạt động tăng cường thể chất, thể dục thể thao. Thậm chí, họ còn không nghỉ ngơi đúng, luôn trong trạng thái “không có thời gian”.
Còn một nhóm người, nguy hiểm hơn là làm việc quá sức, chính là không biết cách nghỉ ngơi. Đó là nhóm thanh niên kể cả khi không làm việc, cũng không nghỉ ngơi đúng nghĩa. Họ sẽ chơi điện thoại, sử dụng các thiết bị công nghệ, chơi game… nhưng đây hoàn toàn không phải là nghỉ ngơi thật sự.
Tệ hơn nữa, họ còn thức đêm quá khuya, uống rượu, tụ tập bạn bè, làm ngược lại với những nhu cầu cơ bản của cơ thể. Nghĩ rằng không làm việc là nghỉ, là thư giãn, nhưng các hoạt động này còn tệ hơn cả làm việc, hại sức và nguy hiểm.
Giáo sư Trường Xuân, Khoa y học xã hội và Giáo dục Sức khỏe, Học viện y tế Công cộng Đại học Bắc Kinh cho biết, đột quỵ, chết do làm việc quá sức có liên quan lớn đến nhóm người lao động trong cường độ cao, áp lực tâm lý lớn, sinh hoạt không lành mạnh, thiếu khoa học.
Việc này tích lũy từ ngày này qua ngày khác, các tổn hại sức khỏe dần dần tăng lên, phát triển thành cách bệnh cấp tính hoặc mãn tính, chữa trị không kịp thời, dẫn đến đe dọa tính mạng, rồi chết đột ngột.
Giáo sư Trường Xuân nhấn mạnh, hậu quả của bi kịch chết trẻ còn nằm ở chỗ, thế hệ trẻ hiện nay đang thiếu trầm trọng kiến thức về sức khỏe cũng như nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe. Khi đối mặt với công việc, họ sẽ làm với cường độ cao, bỏ qua nguyên tắc nghỉ ngơi, thả lỏng cơ thể.
Khi bị tổn thương cả tâm trí và thể lực, người trẻ cũng thường không coi đó là điều nghiêm trọng. Họ không hề biết rằng, theo thời gian, sự phung phí sức khỏe chính là “quả bom hẹn giờ” chỉ chờ đến ngày là sẽ phát nổ, kết thúc cuộc sống một cách bất ngờ, chóng vánh.
Nghỉ ngơi đúng cách còn quan trọng hơn làm việc đúng cách!
Chúng ta thường dành rất nhiều thời gian để học cách làm việc, nhưng rất hiếm ai bỏ thời gian để tìm hiểu, nghỉ ngơi có quan trọng hay không. Mà thực tế, biết cách nghỉ ngơi đúng còn quan trọng hơn là biết làm việc. Vì nó tác động đến sức khỏe của bạn. Không có sức khỏe thì làm việc giỏi bao nhiêu cũng không khiến cho bạn sống tốt.
Thanh niên không chỉ là trụ cột của gia đình, mà còn là xương sống của xã hội. Trong một nghĩa nào đó, nếu sức khỏe của thanh niên bị đe dọa, thì sẽ gây ra khủng hoảng xã hội. Do đó, phòng ngừa và kiểm soát nguy cơ sức khỏe của những người trẻ tuổi rất có ý nghĩa với tất cả chúng ta.
Giáo sư Trường Xuân lưu ý, ngoài những chính sách ưu tiên cho người lao động, áp dụng đúng luật lao động, mỗi người trẻ nên tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe, coi đó là mục tiêu quan trọng của cuộc sống. Bên cạnh mục tiêu thành công trong sự nghiệp, bạn phải khỏe mạnh trước đã.
Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, quan tâm đến các dấu hiệu bất thường của cơ thể, ăn ngủ nghỉ đúng cách, làm việc có kế hoạch, tập thể dục đều đặn, phát triển các thói quen lành mạnh.
Cơ quan, doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào sức khỏe cho người lao động, xây dựng không gian làm việc và các hoạt động phong trào, để mỗi người đều biết cách làm việc và biết cách nghỉ ngơi, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của sức khỏe.
Cuối cùng, mỗi người nên để tâm đến sức khỏe của chính mình.
Khi mệt thì hãy nghỉ, khi căng thẳng thì hãy đi chơi, thư giãn, nghe nhạc, đọc sách thay vì làm việc liên tục. Nên lập kế hoạch rõ ràng giữa lao động và nghỉ ngơi.
Giáo sư Nữu Văn Dị khuyên, hãy xem nghỉ ngơi cũng là một “công việc”, bạn cần phải lập kế hoạch cho nó. Khi mệt thì nên nghỉ, để sau đó làm việc với hiệu suất cao hơn.
Mỗi ngày nên tập thể dục tối thiểu 15-30 phút, mỗi tuần nên có ít nhất 1 ngày nghỉ ngơi hoàn toàn, đi bộ, hẹn hò với bạn bè, làm việc riêng theo sở thích.
Khi quá bận thì nên dành ít phút thư giãn, dù chỉ là ngồi một chỗ và nhắm mắt lại, hít thở, hoặc chợp mắt ngắn ngủi. Khám bệnh định kỳ khi còn là thanh niên, để phát hiện và chữa bệnh kịp thời.

Hãy bấm nút Đăng ký (subscribe) để luôn được cập nhật những thông tin kiến thức khoa học về sức khỏe mới nhất. Và đừng quên Like, share video cho gia đình, bạn bè và người thân.

BAN QUẢN TRỊ

KIENTHUCKHOAHOCVESUCKHOE.CO

Enjoyed this video?
"No Thanks. Please Close This Box!"